2011/08/07

Đạo lập trình

3 comments


Vô tình đọc được quyển "The Tao of Programming" của Geoffrey James, mặc dù được viết cách đây hơn hai chục năm, nhưng có nhiều điểm cực hay, có thể áp dụng được cho hiện tại. Định dịch sang tiếng Việt cho các bạn tham khảo, thì thấy có bạn đã dịch rồi. Nhưng bản dịch đó còn thô sơ quá, bèn ngồi dịch lại, trộn cả văn phong của Đạo Đức Kinh với kiếm hiệp. 


Kính chư vị thưởng lãm.


ĐẠO LẬP TRÌNH

(The Tao of Programming)
Translated by Geoffrey James
Transcribed by Duke Hillard
Transmitted by Anupam Trivedi, Sajitha Tampi, and Meghshyam Jagannath
Re-html-ized and edited by Kragen Sittler
Last modified 1996-04-10 or earlier

Quyển 1: Cõi hư vô

Lập Trình Sư nói:
"Khi ngươi biết cách lấy mã lỗi từ đoạn code bắt lỗi, ngươi có thể xuống núi."

1.1

Nguồn gốc huyền bí, sinh ra từ hư vô. Vô thanh vô tướng, vĩnh viễn bất biến, mãi mãi vận hành. Là nguồn gốc của mọi chương trình. Ta không biết tên nó là gì, nên ta gọi nó là Đạo.

Đạo mà hay thì hệ điều hành sẽ hay. Hệ điều hành mà hay thì trình biên dịch sẽ hay. Trình biên dịch mà hay thì chương trình ắt sẽ hay. Chương trình hay thì bá tính an cư lạc nghiệp, vũ trụ thuận hòa.

Đạo bao trùm vạn vật, lan toả thiên hà. Tựa như cơn gió mát giữa mùa viêm nhiệt, như cơn mưa rào giữa tiết hanh khô.

1.2

Đạo sinh máy ngữ, máy ngữ sinh hợp ngữ, hợp ngữ sinh trình dịch, trình dịch sinh ngôn ngữ, ngôn ngữ biến hóa vô cùng (1).

Nay vạn ngữ đã hình thành. Một ngữ dù thấp kém đến đâu vẫn có mục đích của nó. Mỗi ngữ đều thể hiện tính âm dương của phần mềm. Mỗi ngữ đều có một vị trí trong Đạo.

Tuy nhiên nếu có thể, các ngươi không nên chọn COBOL.

1.3

Khởi thủy từ Đạo. Đạo sinh thời gian và không gian (2). Nên thời gian và không gian chính là Âm và Dương của lập trình vậy.

Người lĩnh hội được Đạo luôn có đủ thời gian và không gian để hoàn thành chương trình của mình. Kẻ không lĩnh hội được thì luôn thiếu.

Sao có thể khác được?

1.4

Kẻ đại trí khi nghe về Đạo thì làm theo. Kẻ bình thường khi nghe về Đạo thì nghiên cứu. Kẻ ngu dốt khi nghe về Đạo thì cười nhạo.

Nếu không cười nhạo thì Đạo đâu còn là Đạo nữa.

Lời nói hay thì khó nghe.
Người đánh xe giỏi không xông bừa tới trước.
Bậc thánh nhân đặt mình ở dưới thiên hạ.
Chương trình dù hoàn hảo vẫn có lỗi.

Quyển 2: Lập Trình Sư


Lập Trình Sư nói:
"Ba ngày không lập trình, cuộc sống trở nên vô nghĩa."

2.1

Bậc Lập Trình Sư vi diệu huyền thông, cao thâm vô lượng. Vì không thể biết được, nên miễn cưỡng mà mô tả họ: Cẩn thận như đi trên băng mỏng. Cảnh giác như tướng giữa trận tiền. Tốt bụng như chủ nhà tiếp khách quý. Mộc mạc như thân gỗ chưa đẽo gọt. Bí ẩn như hồ đen trong hang tối.

Ai có thể hiểu được họ?

Câu trả lời nằm trong Đạo.

2.2

Có lần Đại sư Turing nằm mộng thấy mình hóa thành máy, mà không biết mình là Turing nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Turing. Không biết có phải mình là Turing nằm mộng thấy hóa máy hay là máy nằm mộng thấy hóa Turing? (3)

2.3

Một nhân viên từ một công ty máy tính sau khi tham dự đại hội phần mềm trở về trình báo với chủ nhân: "Không hiểu lũ lập trình viên kia là cái loại gì. Chúng cư xử rất thô lỗ và không có lễ nghi gì cả. Đầu tóc thì bù xù, quần áo thì nhăn nhúm. Chúng nhảy xổ vào hội trường và gây huyên náo cả buổi."
Chủ nhân đáp: "Đáng lẽ ta không nên cho ngươi đến đó. Những người đó sống ngoài thế giới trần tục. Họ coi cuộc sống là ngớ ngẩn, tất cả chẳng qua chỉ là một sự trùng hợp tình cờ. Họ đến và đi mà không cần biết đến giới hạn. Họ không quan tâm đến thứ gì khác ngoài chương trình của họ. Vậy thì tại sao họ phải rước những phiền toái của chuẩn mực xã hội vào mình?

Họ đang sống trong Đạo."

2.4

Đồ đệ hỏi Lập Trình Sư: "Một lập trình viên không bao giờ thiết kế, viết tài liệu, hay thử nghiệm chương trình. Vậy mà tất cả mọi người đều coi anh ta là thiên hạ đệ nhất. Tại sao vậy?"

Lập Trình Sư trả lời: "Kẻ đó đã lĩnh hội được Đạo. Hắn đã thoát khỏi giới hạn của thiết kế; khi hệ thống có lỗi hắn vẫn tiếp nhận một cách bình thản. Hắn đã thoát khỏi giới hạn của tài liệu; hắn không bao giờ e ngại khi người khác review code của mình. Hắn đã thoát khỏi giới hạn của thử nghiệm; mỗi đoạn code hắn viết đều đã sáng sủa, hoàn hảo, còn ý nghĩa của chúng đã hiển nhiên như cuộc sống. Hắn đã đắc Đạo vậy."

Quyển 3: Thiết kế

Lập Trình Sư nói:
"Khi chương trình đang được thử nghiệm (test), thì đã quá muộn để thay đổi thiết kế."

3.1

Một nam nhân tham dự triển lãm tin học. Khi vào cửa, gã nói với người bảo vệ:
"Ta chính là Diệu Thủ Thần Thâu nổi danh trộm cắp như thần. Nói trước với ngươi là ta sẽ không rời triển lãm khi chưa chôm được thứ gì."
Lời nói đó khiến người bảo vệ rất đỗi hoang mang, bởi số thiết bị trong triển lãm trị giá đến trăm vạn lượng vàng. Thế nên người bảo vệ luôn bám sát theo dõi nhất cử nhất động của gã. Tuy nhiên gã chỉ đi thơ thẩn giữa các gian hàng. Thỉnh thoảng gã cười mỉm một cách khó hiểu.
Khi gã ra khỏi cửa người bảo vệ liền lôi lại để lục soát nhưng chẳng tìm thấy gì.
Hôm sau gã lại đến, và thì thầm với người bảo vệ:
"Hôm qua ta đã thoát ra với một đống chiến lợi phẩm, hôm nay có thể sẽ còn nhiều hơn."
Người bảo vệ lo sốt vó càng theo sát gã, nhưng kết quả vẫn như hôm trước.
Ngày cuối cùng, bảo vệ không kiềm chế được sự tò mò:
"Thưa ngài Diệu Thủ Thần Thâu," bảo vệ nói "Tôi đã suy nghĩ đến mất ngủ. Hãy cho tôi biết, thứ mà ngài đã lấy trộm là gì vậy?"
Gã mỉm cười, "Ta trộm ý tưởng."

3.2

Một Lập Trình Sư viết chương trình phi cấu trúc. Một lập trình viên học theo, cũng viết chương trình phi cấu trúc. Khi xem kết quả, Lập Trình Sư mắng: "Tuyệt học của cao thủ đâu phải để cho kẻ tầm thường? Muốn phá vỡ cấu trúc, trước tiên ngươi phải tinh thông cấu trúc."

3.3

Một lập trình viên làm môn khách tại phủ Ngô Vương. Ngô Vương hỏi: "Hệ điều hành và phần mềm kế toán, thứ nào dễ thiết kế hơn?"
"Hệ điều hành", lập trình viên đáp.
Ngô Vương nói đầy vẻ nghi ngờ: "Rõ ràng một phần mềm kế toán đơn giản hơn nhiều hơn so với một hệ điều hành."
"Chưa hẳn", lập trình viên nói, "khi thiết kế phần mềm kế toán, lập trình viên phải đáp ứng yêu cầu của nhiều người khác nhau: phần mềm phải hoạt động ra sao, báo cáo lên như thế nào, đáp ứng điều kiện gì của luật tô thuế. Ngược lại, hệ điều hành không bị hạn chế vì những ý kiến bên ngoài. Lập trình viên chỉ tìm cách đơn giản hài hòa nhất để máy thực hiện bài toán. Đó là lý do vì sao hệ điều hành dễ thiết kế."
Ngô Vương mỉm cười gật đầu "Đúng lắm, thế thứ nào dễ tìm lỗi (debug) hơn?"
Lập trình viên không đáp.

3.4

Quản đốc đưa cho Lập Trình Sư tài liệu yêu cầu của một phần mềm và hỏi: "Việc thiết kế hệ thống này sẽ mất bao lâu nếu ta để năm lập trình viên làm?"
"Mất một năm", Lập Trình Sư trả lời ngay.
"Nhưng ta cần hệ thống này hoàn thành ngay lập tức. Nếu ta cho mười lập trình viên tham gia thì sẽ mất bao lâu?"
Lập Trình Sư cau mày: "Như thế sẽ mất hai năm."
"Vậy một trăm người?"
Lập Trình Sư nhún vai: "Sẽ chẳng bao giờ xong."

Quyển 4: Lập trình

Lập Trình Sư nói:
"Chương trình tốt thì tự nhiên là thiên đường, chương trình tồi thì tự nhiên là địa ngục."

4.1

Một chương trình hay thì phải cực kỳ tinh gọn, nhẹ nhàng như bướm vờn hoa, từng thành phần liên kết với nhau như chuỗi ngọc trên cườm tay tiên nữ. Tư tưởng của chương trình phải liền mạch như suối chảy. Không nên quá dài, không nên quá ngắn, không nên có biến vô dụng, không nên có vòng lặp thừa, không nên thiếu cấu trúc, không nên quá cứng nhắc.

Chương trình cần tuân theo "Luật ngạc nhiên tối thiểu." Luật đó là gì? Đơn giản là khi tương tác với người dùng, nó không nên hoạt động ra ngoài sự dự liệu của họ.

Một chương trình dù phức tạp đến đâu cũng cần có thể hoạt động như một đơn vị độc lập. Tốt gỗ rồi mới tốt nước sơn.

Một chương trình không đáp ứng được những yêu cầu trên sẽ vô cùng hỗn loạn. Cách duy nhất để sửa chữa là đập đi làm lại.

4.2

Đồ đệ hỏi Lập Trình Sư: "Thưa, chương trình con viết lúc chạy lúc không, mặc dù con đã tuân thủ đúng quy tắc lập trình. Con cảm thấy vô cùng bế tắc. Tại sao vậy?"
Lập Trình Sư đáp: "Ngươi bối rối vì ngươi chưa giác ngộ. Chỉ có kẻ ngốc mới đòi hỏi con người phải luôn luôn đúng đắn. Vậy thì tại sao ngươi lại đòi hỏi điều đó từ thứ mà con người tạo ra? Máy móc chỉ là máy móc, Đạo mới là hoàn hảo. Quy tắc chỉ là nhất thời, Đạo mới là mãi mãi. Thế nên để được khai sáng, ngươi phải suy ngẫm về Đạo."
"Vậy làm sao để con nhận ra là mình đã được khai sáng?", đồ đệ hỏi.
"Khi đó chương trình của ngươi sẽ chạy trơn tru." Lập Trình Sư đáp.

4.3

Một Lập Trình Sư giảng về bản chất của Đạo cho một đồ đệ. "Đạo nằm trong tất cả các phần mềm dù phần mềm đó có tầm thường đến đâu", Lập Trình Sư nói.
"Trong máy tính cầm tay có Đạo chứ?", đồ đệ hỏi.
"Có", Lập Trình Sư đáp.
"Trong trò chơi điện tử có Đạo chứ?", đồ đệ tiếp.
"Thậm chí là cả trò chơi điện tử.", Lập Trình Sư đáp.
"Cả trong DOS nữa chứ?"
Lập Trình Sư khẽ ho một tiếng và đứng lên. "Bài giảng hôm nay kết thúc." ông nói.

4.4

Lập trình viên của thái tử viết một chương trình, ngón tay lướt trên bàn phím như tiên nữ gảy đàn. Chương trình được dịch không một lỗi và thực thi êm như hoa rơi trên mặt nước.
"Tuyệt!" thái tử thốt lên, "Kỹ thuật của các hạ thật hoàn hảo!"
"Kỹ thuật ư?", lập trình viên rời mắt khỏi màn hình, "Thứ tại hạ tuân theo là Đạo - vượt trên mọi kỹ thuật! Khi tại hạ bắt đầu lập trình, tại hạ thấy toàn bộ bài toán trong một khối hỗn độn. Ba năm sau tại hạ không còn thấy khối hỗn độn nữa, mà là những đối tượng. Nhưng bây giờ tại hạ không còn thấy gì nữa. Toàn thân tại hạ trôi trong vô định. Tri thức của tại hạ trở nên nhàn nhã. Tinh thần của tại hạ tự do như làn gió. Và chương trình đã tự nó hình thành. Thỉnh thoảng cũng có một vài lỗi lớn. Thấy lỗi xuất hiện, tại hạ chậm rãi, lặng lẽ theo dõi. Rồi tại hạ sửa một dòng code, và lỗi đó tan biến như làn khói mỏng. Sau đó tại hạ dịch lại chương trình, ngồi yên tận hưởng cảm giác hân hoan chảy trong cơ thể. Tại hạ nhắm mắt một lúc rồi tắt máy."

"Giá như lập trình viên của ta ai cũng khôn ngoan như thế!" thái tử nói.

Quyển 5: Cải tiến


Lập Trình Sư nói
"Một chương trình, dù chỉ có 3 dòng code, một ngày nào đó vẫn cần phải được cải tiến."

5.1

Cửa giả hay dùng thì không phí dầu mỡ
Suối chảy xiết thì không thành ao tù nước đọng
Chân không đâu có thể truyền âm
Phần mềm sẽ mục nát nếu chẳng đụng đến

Đó là những điều huyền diệu.

5.2

Quản đốc hỏi một lập trình viên xem anh ta cần bao lâu để hoàn thành chương trình đang viết. "Sẽ xong trong ngày mai."
"Ta thấy chẳng đáng tin lắm." quản đốc nói, "Thực sự là ngươi cần bao lâu?"
Lập trình viên nghĩ một lúc. Rồi anh ta trả lời: "Tại hạ có một số chức năng muốn viết thêm. Sẽ mất ít nhất hai tuần nữa."
"Như vậy ta vẫn thấy chưa ổn." quản đốc nói "Thôi, chỉ cần ngươi thông báo cho ta khi chương trình hoàn tất là ta mãn nguyện rồi."
Lập trình viên đồng ý.

Vài năm sau quản đốc rửa tay gác phím, trên đường đến dự tiệc chia tay, quản đốc thấy lập trình viên ngủ gục trên bàn phím. Anh ta đã lập trình cả đêm.

5.3

Một lập trình viên được Lập Trình Sư giao viết một chương trình quản lý tài chính nhỏ.
Anh ta làm việc như điên trong nhiều ngày. Khi Lập Trình Sư xem kết quả, ông thấy cả một chương trình soạn thảo, một đống hàm đồ họa, một giao diện trí tuệ nhân tạo nhưng chẳng có gì về tài chính.
Khi Lập Trình Sư hỏi tại sao, thì gã nổi đóa: "Đừng vội, tại hạ sẽ viết chương trình tài chính sau cùng."

5.4

Đời nào dân tốt bỏ mùa?
Đời nào thầy tốt bỏ qua trò nghèo?
Cha tốt con chẳng đói meo
Phu tốt code chẳng mòn theo tháng ngày

Quyển 6: Quản đốc

Lập Trình Sư nói:
“Môn phái có nhiều lập trình viên và ít quản đốc thì sẽ hưng thịnh.”

6.1

Khi các quản đốc chỉ biết họp bàn, lập trình viên sẽ đi viết game nhảm nhí. Khi tổng quản chỉ nói về lợi nhuận hàng quý, ngân sách dành cho phát triển sẽ bị cắt. Khi các trụ cột trong môn phái chỉ biết nói trăng sao, mây mù sẽ bao phủ khắp nơi.
Đấy không phải là đạo lập trình.

Khi các quản đốc cam kết toàn lực, game nhảm nhí sẽ không còn. Khi tổng quản lên kế hoạch dài hơi, mọi thứ sẽ trật tự và hài hòa trở lại. Khi mà các trụ cột trong môn phái hiểu rõ vấn đề như lòng bàn tay, thì mọi sự sẽ được giải quyết.
Đấy chính là đạo lập trình.

6.2

Tại sao hiệu suất của lập trình viên lại thấp?
Bởi vì thời gian của họ bị lãng phí trong những cuộc họp triền miên.

Tại sao các lập trình viên lại chống đối?
Bởi vì các quản đốc cản trở họ quá nhiều.

Tại sao các lập trình viên lần lượt ra đi?
Bởi vì họ đã bị vắt kiệt sức.

Khi làm việc dưới sự quản lý tồi, họ sẽ chẳng còn hứng thú với công việc nữa.

6.3

Viên quản đốc nọ gặp khó khăn đến mức sắp bị sa thải, may sao một lập trình viên làm việc cho ông ta đã tạo ra một chương trình rất hay và nâng cao được doanh số. Kết quả, ông ta đã giữ được ngôi vị của mình.
Viên quản đốc bèn tặng thưởng cho lập trình viên đó, nhưng anh ta từ chối: "Tôi lập trình bởi vì tôi đam mê, không phải vì trông chờ phần thưởng."
Nghe vậy, quản đốc nghĩ: "Người này, giữ được lòng tự trọng, hiểu được trách nhiệm của kẻ làm công. Cần phải thăng cấp cho anh ta thành cố vấn."
Khi nói về vấn đề này, lập trình viên một lần nữa lại từ chối, anh ta nói: "Tôi tồn tại khi tôi lập trình. Thăng chức cho tôi sẽ chỉ làm mất thời gian của mọi người. Tôi có thể đi được chưa? Còn rất nhiều việc đang đợi."

6.4

Quản đốc đi đến chỗ các lập trình viên: "Tất cả hãy tuân thủ giờ làm việc: bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều." Lập tức, đám lập trình viên trở nên giận dữ, một số thì rũ áo đứng dậy bỏ đi.
Quản đốc vội nói: "Thôi được, các ngươi có thể tự quyết định giờ giấc của mình, miễn là có thể hoàn thành dự án đúng thời hạn." Các lập trình viên nghe vậy liền cảm thấy hài lòng trở lại, họ bắt đầu công việc vào buổi trưa và kết thúc khi trời gần sáng.

Quyển 7: Trung tâm đầu não

Lập Trình Sư nói:
"Ngươi có thể giới thiệu một chương trình cho lãnh đạo của môn phái, nhưng ngươi không thể làm cho họ hiểu về máy tính."

7.1

Đồ đệ hỏi Lập Trình Sư: "Phương Đông có cây đại thụ, người ta gọi là "Trung tâm đầu não". Nó phình ra rất to với một đám phó môn chủ và tổng quản. Nó phát ra vô số mệnh lệnh, đại thể tựa như "Cút đi!" hay "Lại đây!", thiên hạ chẳng ai hiểu nó nói gì. Cứ mỗi năm nó lại mọc ra nhiều nhánh hơn, nhưng đều chả đem lại lợi ích gì. Tại sao một thứ vô lý như vậy lại có thể tồn tại được?"

Lập Trình Sư nói: "Ngươi bối rối vì thấy nó không hợp lý. Sao ngươi không lấy sự xoay vần của nó làm thú vui tiêu khiển? Sao ngươi không nhàn nhã mà ngồi lập trình bên dưới tán cây ấy? Sao ngươi lại phải phiền lòng bởi sự vô dụng của nó?"

7.2

Ngoài biển Đông có loài cá kình to lớn. Nó hóa thân thành loài chim hạc mà đôi cánh che kín cả bầu trời. Khi bay qua đất liền, nó mang theo một thông điệp từ "Trung tâm đầu não", thông điệp ấy rơi vào giữa đám lập trình viên, tựa sấm sét giữa trời quang. Rồi theo gió, nó bay lên trời, quay về biển Đông.

Các lập trình viên tập sự thì nhìn theo cánh chim mà trong lòng ngập tràn nghi vấn. Những lập trình viên khác thì kinh hãi, khiếp sợ. Riêng Lập Trình Sư vẫn bình thản làm việc, như không hề nhận thấy sự có mặt của con chim kia.

7.3

Lão pháp sư từ Tháp Ngà mang đến chỗ Lập Trình Sư phát minh mới nhất để kiểm nghiệm. Ông ta đẩy một cái thùng lớn màu đen vào văn phòng của Lập Trình Sư.

"Đây là trạm làm việc tích hợp, phân tán, đa dụng," lão pháp sư bắt đầu, "được thiết kế theo kiểu công thái học với hệ điều hành độc quyền, 6 đời ngôn ngữ, và giao diện tinh xảo. Mất 5 năm để 100 đồ đệ của ta hoàn thành nó. Vậy chẳng phải là tuyệt phẩm hay sao?"
Lập Trình Sư nhướng mày: "Nó thực là tuyệt phẩm."

"Trung tâm đầu não đã ra lệnh rằng", pháp sư nói tiếp, "từ nay tất cả môn hạ trong môn phái phải sử dụng trạm làm việc này làm nền tảng (4) cho tất cả các chương trình mới. Được chứ?"
"Tất nhiên," Lập Trình Sư đáp, "ta sẽ chuyển nó đến trung tâm dữ liệu ngay!" Pháp sư rất hài lòng và quay về.

Vài ngày sau, 1 đồ đệ đến văn phòng của Lập Trình Sư và hỏi: "Con không tìm thấy tập danh sách các chương trình mới, sư phụ biết nó ở đâu không?"
"À," Lập Trình Sư đáp, "chính là tập tài liệu ở ngay trên cái bệ (4) trong trung tâm dữ liệu."

7.4

Lập Trình Sư viết hết chương trình này đến chương trình khác mà không chút lo sợ. Không sự thay đổi nào trong quản lý có thể ảnh hưởng đến y. Y vĩnh viễn không bị sa thải, ngay cả khi dự án bị hủy. Tại sao vậy? Vì y đã đắc Đạo.

Quyển 8: Phần cứng và phần mềm

Lập Trình Sư nói:
"Không có gió, cỏ cây bất động. Không có phần mềm, phần cứng vô dụng."

8.1

Đồ đệ hỏi: "Thưa sư phụ! Con biết 1 công ty máy tính vĩ đại hơn tất cả công ty còn lại, ví như gã khổng lồ với bầy lùn, mỗi chi nhánh của nó có thể sánh ngang với cả một công ty lớn. Sao lại như thế?"
Lập Trình Sư nói: "Đừng hỏi vớ vẩn thế. Công ty đó lớn vì nó thực sự lớn. Nếu nó chỉ bán phần cứng, thiên hạ không ai thèm mua. Nếu nó chỉ bán phần mềm, thiên hạ không ai thèm dùng. Nếu nó chỉ bảo trì hệ thống, thiên hạ xem nó như nô tỳ. Vì nó kết hợp tất cả, thiên hạ tin nó là trời. Ấy gọi là không cần cố gắng mà vẫn lấy được thiên hạ vậy."

8.2

Một hôm, Lập Trình Sư đến chỗ đồ đệ. Y đang chúi mũi chơi game trên Nintendo. Lập Trình Sư nói: "Này, ta có thể thử nó được không ?" Tên đồ đệ (vẻ bất ngờ) trao nó cho Lập Trình Sư.

"Ta thấy nó có 3 mức độ: dễ, trung bình, khó," Lập Trình Sư nói. "Nhưng còn một mức độ khác nữa, là mức độ mà nó không chế ngự được con người, và nó cũng không bị con người chế ngự."

"Thưa đại sư," tên đồ đề cầu khẩn, "xin hãy chỉ cho con cách cài đặt mức độ thần bí đó?"

Lập Trình Sư quăng cái Nintendo xuống đất, lấy chân nghiền nát. Và đột nhiên tên đồ đệ lập tức khai sáng.

8.3

Lập trình viên mainframe đến thăm bạn mình là một lập trình viên vi xử lý (microprocessors). "Nhìn tôi này," lập trình viên vi xử lý nói, "Thật là sảng khoái. Tôi có hệ điều hành và đĩa cứng của chính mình. Tôi không phải chia sẻ tài nguyên với bất cứ kẻ nào. Phần mềm của tôi trước sau như một, sử dụng nhẹ tựa lông hồng. Sao bằng hữu không bỏ thứ đó (mainframe) và tham gia với tôi?"

Lập trình viên mainframe bèn giải thích: "Máy chủ (mainframe) đứng giữa trung tâm dữ liệu khác nào bậc hiền nhân đang tọa thiền trên đài sen. Đĩa cứng xếp chồng bất tận như Thái Sơn, bộ nhớ tầng tầng lớp lớp mênh mông như đại dương. Phần mềm long lanh như ngọc quý, quấn quít tựa tơ vương. Các chương trình, lần lượt, đi qua như dòng thiên hà chảy xiết. Đó là vì sao tại hạ cảm thấy hoan hỷ trong hiện tại."

Lập trình viên nọ nghe xong, im lặng. Nhưng cả hai vẫn là bằng hữu cho đến cuối đời.

8.4

Phần cứng gặp phần mềm trên đường lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Phần mềm nói: "Các hạ là Dương, tại hạ là Âm. Nếu ta kết hợp cùng nhau, tất sẽ được vinh hoa phú quý." Và cả hai lên đường, mưu tính đại sự.

Giữa đường, họ gặp Cái bang trưởng lão Phần Sụn (Firmware), ăn mặc rách rưới, tay chống gậy bước tới, nói rằng: "Đạo tồn tại giữa Âm và Dương. Đạo tĩnh lặng tựa mặt hồ không chút gợn sóng. Đạo không cần tên tuổi, bởi vậy không ai biết sự hiện diện của Đạo. Đạo không cần tiền bạc, Đạo đã hoàn mỹ trong Đạo. Đạo tồn tại trên cả không gian và thời gian."

Phần cứng và Phần mềm, cảm thấy hổ thẹn, bèn quay về.

Quyển 9: Lời kết

Lập Trình Sư nói:
"Giờ ngươi có thể xuống núi."

---------------------------------------------
Chú giải
(1)
Ngữ: Ngôn ngữ lập trình
Máy ngữ: machine language

(2) "Space and Time". Không hiểu tại sao lại có space ở đây?

(3): Turing machine

(4) Platform, nghĩa là nền tảng, cũng có nghĩa là cái bệ.

3 comments:

Unknown said...

Không chắc tại sao tác giả lại không thích COBOL, tôi đoán là tại vì nguyên nhân này:
http://en.wikipedia.org/wiki/COBOL#Lack_of_structurability

Tô Hải Sơn said...

Đọc một mạch hết bài dịch của anh Khánh :).
Phải nói là quá hay (cách dịch lẫn nội dung)

Tuan.Luu said...

Cảm ơn bạn rất nhiều.

Post a Comment

 

Khanh DAO | © 2011

Design by DheTemplate.com and Theme 2 Blog